- Phương thức 1: thử nghiệm mẫu điển hình
Áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị đã có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và sản phẩm nhập khẩu.
Nội dung và trình tự thực hiện:
- a) Lấy mẫu sản phẩm :
Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận tự lấy mẫu sản phẩm và thực hiện đo kiểm tại các đơn vị đo kiểm được chỉ định hoặc thừa nhận.
- b) Đánh giá sự phù hợp:
Tổ chức chứng nhận đánh giá sự phù hợp của mẫu sản phẩm trên cơ sở kết quả đo kiểm hợp lệ so với quy chuẩn kỹ thuật áp dụng để chứng nhận.
- Phương thức 2: thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất
Áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị chưa có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
Nội dung và trình tự thực hiện:
- a) Kiểm tra cơ sở sản xuất và lấy mẫu sản phẩm :
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị chứng nhận hợp quy, Tổ chức chứng nhận ấn định thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận. Nội dung kiểm tra căn cứ vào quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng trong hồ sơ đề nghị chứng nhận. Kết quả kiểm tra phải được lập biên bản và lưu trong hồ sơ chứng nhận.
Tổ chức chứng nhận thực hiện lấy mẫu sản phẩm theo nguyên tắc ngẫu nhiên, niêm phong mẫu sản phẩm (ghi rõ ngày lấy mẫu trên dấu niêm phong).
Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận chuyển mẫu sản phẩm đã được niêm phong đến đơn vị đo kiểm được chỉ định hoặc thừa nhận để thực hiện việc đo kiểm mẫu sản phẩm.
- b) Đánh giá sự phù hợp:
Tổ chức chứng nhận đánh giá sự phù hợp của mẫu sản phẩm trên cơ sở kết quả đo kiểm hợp lệ so với quy chuẩn kỹ thuật áp dụng để chứng nhận và kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất.
- c) Giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm:
Tổ chức chứng nhận thực hiện giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm định kỳ không quá mười hai (12) tháng / một (01) lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi có khiếu nại từ người tiêu dùng đối với sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy.
Việc giám sát thông qua đánh giá lại quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm lưu trong hồ sơ chứng nhận và đánh giá kết quả đo kiểm mẫu sản phẩm lấy trên thị trường hoặc tại kho hàng, cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận.
Tổ chức, cá nhân có sản phẩm được giám sát có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức chứng nhận trong việc kiểm tra cơ sở sản xuất, lấy mẫu và đo kiểm sản phẩm.